Bí quyết làm bánh Trung thu đơn giản tại nhà
Mỗi khi nhắc đến rước đèn phá cỗ, người ta không thể không nhắc đến bánh Trung thu. Để mùa trăng tròn năm nay thật ý nghĩa và đáng nhớ, hãy cùng BUMAS khám phá cách làm bánh Trung thu thơm ngon chuẩn vị, dành tặng những người thân yêu trong gia đình bạn nhé!
1. Công thức làm bánh nướng
1.1. Nguyên liệu làm bánh Trung thu
Để hoàn thiện một chiếc bánh Trung thu hoàn hảo, lớp vỏ bánh không chỉ cần tươm dầu, dẻo ngậy mà phần nhân cũng phải thơm ngon và đậm đà. Dưới đây là những nguyên liệu giúp bạn tạo ra được thành phẩm chiếc bánh Trung thu ưng ý:
Nguyên liệu làm vỏ bánh
Nguyên liệu tiêu chuẩn để làm ra một chiếc bánh có lớp vỏ mềm ngậy và đẹp mắt gồm:
- Nước đường bánh nướng: Đây là nguyên liệu không thể thiếu giúp chiếc bánh có độ mềm nhất định và tạo màu đặc trưng cho bánh. Bạn có thể mua nước đường bánh nướng đã được chế biến và đóng gói sẵn trên thị trường để sử dụng.
Nước đường là yếu tố quyết định để làm nên một chiếc bánh Trung Thu ngon
- Bột làm bánh: Thông thường, lớp vỏ bánh sẽ được làm từ 2 loại bột phổ biến đó là bột mì và bột sư tử với tỷ lệ 3:1 để vỏ bánh mềm xốp và có thể bảo quản được lâu.
- Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu khác bao gồm: mạch nha, lòng đỏ trứng gà, dầu ăn và bơ đậu phộng.
Nguyên liệu làm nhân bánh
Tùy thuộc vào loại nhân mà bạn lựa chọn, nguyên liệu của các loại bánh Trung thu sẽ khác nhau. Hôm nay, BUMAS sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị nguyên liệu cho loại bánh dễ thực hiện tại nhà nhất - Bánh Trung thu nhân đậu xanh. Nguyên liệu bao gồm: đậu xanh bỏ vỏ, đường trắng, dầu ăn.
1.2. Cách làm vỏ bánh
Cho khoảng 150g nước đường bánh nướng, 40g dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng gà và 15g bơ đậu phộng vào tô và dùng phới đánh đều, bọc kín và ủ khoảng 1h.
Rây 300g bột mì và 100g bột sư tử cho mịn, sau đó cho vào hỗn hợp nước đường vào nhào kỹ. Bọc kín và để hỗn hợp nghỉ 30 phút, sau đó chia bột thành các viên đều nhau có trọng lượng 50g.
Bột nhào kỹ và bọc kín để khi nướng bánh không bị nứt vỏ
1.3. Cách làm nhân bánh
Ngâm 200g đậu xanh khoảng 4 tiếng rồi rửa sạch. Tiếp theo, bạn cho đậu vào nồi cùng một ít nước và nấu chín.
Sau khi đậu chín, bạn cho đậu vào máy xay và xay nhuyễn. Sau đó đổ đậu vào chảo chống dính, gia giảm đường tùy theo khẩu vị, thêm từ từ 50g dầu ăn và sên cho đến khi quyện lại thì tắt bếp.
Đậu xanh xay mịn, sên đặc và tán nhuyễn
Đợi nhân nguội, chia đều nhân và vo tròn thành các viên có trọng lượng gấp đôi vỏ bánh, khoảng 100g. Bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và cho vào ngăn mát tủ lạnh là xong.
1.4. Tạo hình bánh
Cán mỏng viên bột bánh, cho nhân vào giữa và vo đều để vỏ bánh bao kín toàn bộ phần nhân, sau đó rắc bên ngoài một lớp bột áo mỏng.
Lấy khuôn bánh Trung thu, phết một lớp dầu ăn vào khuôn, đặt bánh trên mặt phẳng và dùng khuôn ép chặt để bánh có tạo hình sắc nét. Tiếp tục thực hiện đóng bánh cho đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.
Ép chặt tay để bánh có tạo hình sắc nét
Nướng bánh
Xếp bánh lên khuôn và nướng trong khoảng 15 phút ở mức nhiệt 180°C rồi lấy ra ngoài, xịt nước và cho bánh nghỉ 15 phút.
Đánh tan 2 lòng đỏ trứng gà và phết đều lên mặt bánh, tiếp tục nướng trong vòng 10 phút ở 180°C.
Nướng bánh 2 lần và để bánh nghỉ giữa các lần nướng
Sau khi hoàn thành, lấy bánh ra khỏi lò và để nguội.
Yêu cầu thành phẩm
Với công thức làm bánh Trung thu nhân đậu xanh trên, bạn sẽ thu được một mẻ bánh thơm ngon với lớp vỏ vàng đậm, nhân đậu xanh bùi béo, ngọt dịu khiến bạn ăn hoài không ngán.
Thành phẩm vỏ bánh màu vàng đậm, phần nhân dẻo mịn bùi béo
Để bánh có hương vị hoàn hảo nhất, bạn nên bảo quản bánh ở nơi thoáng mát trong vòng 3-5 ngày để bánh tươm dầu, khi ăn sẽ mềm và dậy vị hơn.
2. Công thức làm bánh dẻo
2.1. Nguyên liệu
Để ra được thành phẩm miếng bánh dẻo thơm ngọt đậm đà, bạn cần chuẩn bị nguyên liệu đúng tỷ lệ giữa các thành phần.
Nguyên liệu: 1kg bột nếp bánh dẻo, 400g đường phèn, 200g đậu xanh, nước hoa bưởi, dầu ăn, muối, chanh
2.2. Cách làm bánh dẻo tại nhà
Bước 1: Nấu nước đường
Hoà tan đường với nước nóng theo tỷ lệ 1:1 sau đó đặt lên bếp, đun sôi với lửa nhỏ trong khoảng 15-20 phút. Trong khi nấu, bạn cho thêm ít nước cốt chanh và vặn lửa lớn cho nước đường sôi mạnh khoảng 1 phút thì tắt bếp.
Cho một ít nước cốt chanh khi nấu nước đường
Bước 2: Làm vỏ bánh
Chuẩn bị 250g bột bánh dẻo, sau đó cho lần lượt 100ml nước đường, 2 muỗng dầu ăn, 1 muỗng nước hoa bưởi và ủ bột trong khoảng 1 tiếng
Bước 3: Làm nhân bánh
Tương tự với công thức làm bánh nước, bạn ngâm 200g đậu xanh trong 4 tiếng sau đó nấu chín, xay nhuyễn, sên đặc và vo lại thành viên có khối lượng khoảng 80-90g.
Bước 4: Tạo hình bánh
Để sử dụng khuôn 250g, bạn cần chuẩn bị 160g vỏ bánh, 90g nhân bánh. Ấn vỏ bánh cho dẹp sau đó cho phần nhân đậu xanh vào giữa và bọc kín.
Yêu cầu thành phẩm bánh dẻo, thơm, hoa văn đậm nét
Phết một lớp mỏng dầu ăn hoặc bột bánh dẻo vào khuôn để đóng bánh. Ấn mạnh khuôn khoảng 3 lần để hoa văn in rõ sau đó từ từ gỡ khuôn.
3. Một số cách làm bánh Trung thu khác
3.1. Cách làm bánh Trung thu rau câu cà phê phô mai
Cách làm và hương vị của bánh Trung thu rau câu rất khác so với hương vị bánh Trung thu truyền thống. Trong khi bánh truyền thống được làm từ bột và các loại nhân mặn ngọt đa dạng, thì bánh rau câu lại được làm từ lớp thạch mát lạnh với phần nhân là các loại trái cây tùy thích.
Bước 1: Đun hỗn hợp thạch cà phê
Chuẩn bị 500ml nước đun sôi, sau đó thêm 1 gói cà phê hòa tan, 25g đường và 6g bột thạch vào nồi và khuấy đều.
Bật bếp ở lửa vừa, vừa nấu vừa khuấy đều tay đến khi hỗn hợp sôi nhẹ thì tắt bếp.
Bước 2: Đun hỗn hợp nước cốt dừa
Tiếp theo, cho vào nồi 100g nước cốt dừa, 70g sữa đặc, 5 miếng phô mai con bò cười và 20g đường vào nồi cùng 500ml nước, thêm 6g bột thạch.
Bật bếp ở lửa vừa, vừa nấu vừa khuấy đến khi hỗn hợp sôi nhẹ. Hạ nhỏ lửa và giữ thạch luôn ấm nóng để tránh làm thạch bị đông.
Bước 3: Đổ khuôn thạch
Đầu tiên, đổ một lớp thạch và phê mỏng, đợi đến khi lớp thạch đông lại thì nhẹ nhàng đổ thêm một lớp thạch cốt dừa. Tiếp tục làm so le cho đến khi hết nguyên liệu.
Sau khi đổ đầy khuôn, để thạch vào ngăn mát tủ lạnh trong vòng 1-2 tiếng cho thạch đông lại rồi gỡ khuôn.
Bánh Trung thu rau câu có vị thanh mát, ngọt dịu
Bánh Trung thu rau câu cà phê phô mai có vị ngọt thanh, thơm nhẹ của cà phê và béo ngậy của phô mai rất hợp khẩu vị của cả người lớn và trẻ nhỏ. Bánh nên sử dụng tối đa trong vòng 3 ngày và bảo quản trong tủ lạnh.
3.2. Cách làm bánh Trung thu Oreo
Nếu bạn là một "fan" trung thành của bánh Oreo thì nhất định không được bỏ qua món bánh Trung thu Oreo thơm ngon lạ miệng. Chỉ cần một chút biến tấu, thêm một vài nguyên liệu đơn giản có sẵn tại nhà là bạn có thể làm ngay được chiếc bánh Trung thu Oreo mà trẻ con hay người lớn đều ưa thích trong mùa Tết đoàn viên.
Bước 1: Trộn bánh
Dùng dao tách nhẹ vỏ bánh và kem làm 2 phần riêng.
Với phần kem, bạn tán nhuyễn cùng 3 miếng phô mai con bò cười, sau đó cho vào ngăm mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng.
Với phần vỏ bánh, bạn có thể dùng chày hoặc cho vào máy xay sinh tố để vỏ bánh được nhuyễn mịn.
Tiếp theo, bạn đun chảy 50g bơ lạt rồi cho ít một vào phần vỏ bánh, từ từ trộn đều cho tới khi vỏ bánh có thể vo tròn lại thành khối.
Bước 2: Đóng bánh
Cho bột vỏ bánh vào 1/2 khuôn, sau đó đặt viên nhân kem Oreo vào giữa rồi phủ thêm một lớp vỏ bánh lên trên. Sau đó, bạn ấn thật chặt khuôn để tạo hình bánh.
Để bánh vào tủ mát khoảng 20 phút là bánh mềm dẻo và có thể dùng được.
Bánh Trung thu Oreo thơm béo phù hợp với khẩu vị của cả người lớn và trẻ nhỏ
Bánh Trung thu Oreo có lớp vỏ đắng nhẹ, vị thơm béo đặc trung từ bơ lạt kết hợp cùng nhân kem mát lạnh cực kỳ ngon miệng và đẹp mắt.
4. Kết luận
Nếu bạn đang tìm kiếm cách làm bánh trung thu đơn giản, độc đáo ngay tại nhà thì bài viết này là dành cho bạn. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có một mùa Tết đoàn viên ấm áp, quây quần bên cạnh những người thân yêu.