Chuyên gia cảnh báo: Nguy cơ tổn thương cột sống ở lái xe đường dài khi ngồi sai tư thế
Duy trì một tư thế trong thời gian dài, ngồi sai tư thế là hai nguyên nhân phổ biến khiến tài xế dễ nhức mỏi cơ thể khi lái xe đường dài. Nếu không điều chỉnh, người lái xe có nguy cơ mắc phải các bệnh cơ xương khớp như đau lưng, nặng hơn có thể đang phải đối mặt với nguy cơ thoái hóa đốt sống lưng, hoặc thoát vị đĩa đệm.
Tình trạng đau lưng do lái xe ngồi sai tư thế
Mới đây, một nghiên cứu chỉ ra rằng, ba phần tư tài xế tại Anh đang phàn nàn về những cơn đau lưng sau nhiều giờ lái xe, đặc biệt, tình trạng này phổ biến ở độ tuổi từ 25-34.
Không quá xa lạ với những ca bệnh chấn thương cột sống của các tài xế, Claire Henson Bowen – Trưởng Khoa Vật lý trị liệu viện Bespoke Wellbeing (Anh) cho biết, ngồi đúng tư thế tại ghế lái không phải là điều đơn giản. Đặc biệt, ngồi sai tư thế, lặp đi lặp lại trong những hành trình dài dẫn tới đau cột sống ở cổ và lưng dưới.
Theo thống kê mới nhất của phòng nghiên cứu thị trường của nhà bán lẻ ô tô Motorpoint, 91% các tài xế tại Bristol, 82% tài xế tại Belfast, 79% tài xế tại Cardiff, 78% tài xế tại London và 77% tài xế tại Birminghamg đang đối mặt với những cơn đau do chấn thương cột sống do ngồi lái sai tư thế.
Đặc biệt, tình trạng chấn thương cột sống diễn ra rõ hơn đối với nhóm tài xế có độ tuổi từ 25-45, trong đó, các nữ tài xế có tỉ lệ mắc chứng bệnh liên quan tới cột sống ở mức 79%, nam giới ở mức 71%.
Tại Việt Nam, bác sĩ Lý Và Sềnh, Trưởng khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên gặp những bệnh nhân làm nghề lái xe đến khám, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vật lý trị liệu vì mắc những bệnh lý đau lưng, mỏi cổ, tê tay, thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng…”.
Bác sĩ Lý Và Sềnh, Trưởng khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM
Những người này thường xuyên có các triệu chứng bất thường về cột sống, co cứng cơ cạnh cột sống, vẹo cột sống hoặc bị thoái hóa, hẹp thoát vị đĩa đệm.
Theo bác sĩ Và Sềnh, việc thường xuyên ngồi lâu với một tư thế, ít cử động cột sống lưng hay ngồi sai tư thế là những nguyên nhân đang âm thầm phá hủy cột sống của người lái xe.
“Ngồi lâu ở một tư thế trong nhiều giờ sẽ gây áp lực lớn cho lưng. Hậu quả là chứng đau nhức lan tê từ lưng xuống mông rồi xuống chân, gây ra bệnh đau thần kinh tọa”, bác sĩ Sềnh nói.
Chưa hết, trong quá trình di chuyển, người lái xe có thể chịu sự dằn xóc của các tuyến đường giao thông có nhiều ổ gà khiến cột sống lại phải gánh thêm một lực tác động lớn.
Những yếu tố này khiến sụn và xương dưới sụn ở cột sống lưng nhanh chóng bị mòn gây ra bệnh thoái hóa cột sống lưng hoặc các đốt sống lưng chèn ép mạnh lên các đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm.
Vì vậy, tư thế lái xe phù hợp sẽ giúp người lái hạn chế tình trạng bị đau lưng, mỏi cổ, giảm nguy cơ mắc bệnh về cột sống.
Tư thế chuẩn khi lái xe các bác tài cần lưu ý
Nệm ghế: Khoảng cách từ nệm ghế tới các pedal điều khiển (chân côn, ga và phanh) hợp lý nhất là khi người lái đạp phanh hết cỡ mà chân vẫn hơi trùng một góc khoảng 30 độ. Nếu chân bị trùng quá thì ghế lái bị gần quá, lực đạp phanh sẽ không thể đạt mức tối ưu. Còn nếu chân bị thẳng thì nghĩa là ghế lái bị xa, người lái thậm chí sẽ phải rướn người khi phanh gấp, hoặc nguy hiểm hơn là không thể đạp phanh hết cỡ. Chân thẳng và cứng khi phanh gấp còn dẫn tới tác lại nữa là hông của người lái sẽ bị bẻ lệch do lực quán tính làm thân người dồn không đều về trước.
Lưng ghế: Tùy theo loại xe mà lưng ghế có thể được điều chỉnh ngả ra phía sau nhiều hay ít. Thông thường, trên các loại xe vị trí lái thấp (xe thể thao hay sedan) ghế ngả nhiều hơn so với ghế trên các dòng xe khác. Cách kiểm tra lưng ghế phù hợp nhất là hãy đạp phanh thật mạnh mà lưng người lái không bị trượt lên phía trên, gây mất lực phanh.
Gối tựa đầu: Gối tựa đầu ở vị trí lý tưởng là khi phần giữa của gối ở ngang tầm với mắt người lái. Khoảng cách từ đầu người lái đến gối tựa đầu chỉ khoảng 2,5 – 3cm là phù hợp nhất. Gối tựa đầu quá gần sẽ làm cho người lái cảm thấy vướng víu khi cử động, còn nếu quá xa thì sẽ nguy hiểm, khiến cho xương cổ của người lái có thể bị tổn thương trong trường hợp bị đâm mạnh từ phía sau.
Vô-lăng: Vị trí vô-lăng hợp lý là ở khoảng cách từ 30 – 40cm trước ngực của người lái và hai tay của người điều khiển luôn hơi trùng (khoảng 40 độ) khi đặt lên vành tay lái. Việc điều chỉnh khoảng cách vô lăng còn liên quan đến hoạt động của túi khí.
Nếu vô-lăng quá gần, mặt của người lái có thể sẽ bị thương khi túi khí bung ra trong trường hợp va chạm. Nếu vô-lăng quá xa khiến tay thẳng khi đặt trên vô-lăng, thì xương bả vai của người lái có thể sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp phanh gấp do lực quán tính tác động.
Còn độ cao của vô-lăng lý tưởng nhất là khi người lái có thể thấy toàn bộ thông tin trên bảng đồng hồ khi liếc qua nửa phía trên của ô thoáng giữa vành vô-lăng.
Gương chiếu hậu ngoài: Gương ngoài giúp lái xe quan sát phía sau xe. Tuy nhiên, người lái cần biết điều chỉnh góc chiếu để giảm tối đa điểm khuất. Trong điều kiện di chuyển thông thường (trừ khi lùi xe), thì vị trí gương lý tưởng là khi người lái nhìn qua gương chỉ thấy một dải rất hẹp của phần đuôi và cản sau của xe.
Nếu chỉnh gương để có tầm quan sát quá rộng (không nhìn thấy một phần đuôi xe) thì hạn chế điểm mù, nhưng sẽ gây khó khăn khi lùi xe do người lái không có điểm chuẩn để căn đường. Còn nếu chỉnh gương quá hẹp thì điểm mù sẽ lớn, người lái sẽ khó quan sát thấy các phương tiện đi bên cạnh khi chuyển làn.
Gương trong: Ở tư thế ngồi thoải mái nhất, người lái nhìn thấy toàn bộ ô kính hậu thì có nghĩa là gương chiếu hậu bên trong đã được điều chỉnh đúng.
Bí quyết giúp giảm bớt nhức mỏi khi lái xe đường dài
- Điều chỉnh tư thế lái: Ngồi đúng tư thế chuẩn để giúp bạn cảm thấy thoải mái trong suốt chuyến đi, đồng thời giảm áp lực lên cột sống và các khớp. Có thể kê thêm một chiếc gối nhỏ hoặc sử dụng đệm ghế để giúp nâng đỡ vùng thắt lưng tốt hơn, hỗ trợ cải thiện tư thế.
- Nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng: Sau khoảng 2-3 tiếng lái xe liên tục, hãy dừng lại ở nơi an toàn để thư giãn, đi bộ vài phút hoặc thực hiện các động tác căng duỗi cơ đơn giản giúp máu lưu thông tốt hơn. Đồng thời cũng có thể massage và chườm ấm nhẹ nhàng ở các vùng như cổ vai gáy, thắt lưng để làm mềm cơ, giảm nhức mỏi nhanh chóng hơn.
- Uống đủ nước và ăn nhẹ lành mạnh: Uống đủ nước thường xuyên để tránh mất nước gây mệt mỏi, chuẩn bị các bữa ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, các loại hạt để duy trì năng lượng ổn định trong suốt hành trình.
- Kiểm soát căng thẳng và giữ tinh thần thoải mái: Nghe nhạc nhẹ nhàng, trò chuyện với người đi cùng hoặc sử dụng các kỹ thuật thư giãn để giảm bớt căng thẳng và áp lực khi lái xe, đặc biệt trong điều kiện giao thông phức tạp.
- Ngủ đủ giấc trước chuyến đi: Ngủ đủ từ 7-8 tiếng vào đêm trước khi lái xe đường dài là rất quan trọng để cơ thể được phục hồi hoàn toàn, giúp tăng cường sự tập trung và giảm nguy cơ mệt mỏi.
- Kiểm tra và bảo dưỡng xe thường xuyên: Đảm bảo xe luôn trong tình trạng hoạt động tốt, hệ thống treo êm ái, điều hòa không khí hoạt động hiệu quả và lốp xe đủ áp suất sẽ giúp giảm rung lắc, tiếng ồn và duy trì nhiệt độ thoải mái trong cabin, từ đó giảm mệt mỏi cho tài xế.
Lái xe đường dài thường xuyên không chỉ công việc đầy thử thách và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mà còn có nguy cơ mắc các bệnh về cột sống nếu bạn không có tư thế ngồi chuẩn xác. Các bác tài cần sớm nhận thức về việc điều chỉnh tư thế lái xe cũng như sinh hoạt khoa học để đảm bảo sức khỏe, an toàn trên mỗi cung đường.